Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, ngành đóng tàu và sửa chữa tàu là một trong bốn trụ cột của hàng hải bên cạnh cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải.

Đặt ky tàu 30.000 DWT của Công ty TNHH Vận tải biển Việt Thuận.
Đặt ky tàu 30.000 DWT của Công ty TNHH Vận tải biển Việt Thuận.

8 tháng đóng xong tàu 30.000 DWT

Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương vừa chính thức đặt ky tàu biển quốc tế không hạn chế, trọng tải 30.000 DWT cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Vận tải biển Việt Thuận.

Tàu được đóng mới có tên Việt Thuận 30-05, với giá trị đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Tàu có ký hiệu thiết kế S300-01, chiều dài lớn nhất 179.9m; chiều rộng lớn nhất 29.94m; chiều cao mạn 12.5m; chiều chìm thiết kế 8.8m.

Tàu có trọng tải 30.200 tấn và công suất máy chính 2×2930 KW. Dự kiến, tàu sẽ hoàn thành, bàn giao cho chủ tàu vào tháng 11/2023 sau 8 tháng thi công.

Đây là một trong những tàu nằm trong dự án đóng 5 tàu quốc tế không hạn chế của Công ty TNHH Vận tải biển Việt Thuận với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng (3 tàu trọng tải 30.000DWT , 2 tàu trọng tải 9.500 DWT) để phục vụ vận tải trong nước và quốc tế.

Theo đại diện Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương, công ty có khả năng đóng mới các loại tàu hàng tổng hợp, tàu container, tàu dầu, tàu hút bùn, tàu khách, tàu khí hóa lỏng, tàu ponto… có trọng tải tới 56.000DWT, phù hợp với tiêu chuẩn đóng tàu trong nước và quốc tế. Nhưng đây là lần đầu công ty đóng tàu có trọng tải lớn cỡ 30.000 DWT.

“Dự án cũng là dấu mốc cho thấy ngành đóng tàu đã dần ấm lên sau thời gian dài gặp khó. Đồng thời, cũng cho thấy xu hướng của thị trường phát triển những con tàu có kích cỡ lớn hơn, để các chủ tàu có thể khai thác tàu hiệu quả hơn”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Theo truyền thống ngành đóng tàu, trong tất cả công đoạn đóng tàu, công đoạn đầu tiên và quan trọng nhất là đặt ky tàu.

Đặt ky đánh dấu mốc tổng đoạn chuẩn đầu tiên của tàu được đặt vào vị trí lấy dấu sẵn của thiết kế, làm cơ sở cho các bước tiếp theo, để hoàn thành con tàu.

Cấu trúc của ky tàu tương tự xương sống, là trục chính chạy từ mũi tới đuôi tàu.
Đây là xương chính của tàu và từ đó các công giang, tay sườn được gắn tương tự với cấu trúc giống xương cá. Toàn bộ khung xương đó sẽ là bệ đỡ cho vỏ tàu. 

Cần ưu tiên tàu “made in Việt Nam”

Phát biểu tại Lễ đặt ky, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang đánh giá, đây là con tàu đặc biệt bởi từ đơn vị tư vấn thiết kế đến chủ tàu, công ty đóng tàu đều là doanh nghiệp Việt Nam.

Một sản phẩm tàu biển thuần Việt càng có ý nghĩa trong bối cảnh cả nước triển khai Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có kinh tế hàng hải.

Đánh giá cao những nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ của chủ tàu với nhà máy đóng tàu, với ngân hàng và các cơ quan liên quan trong việc hình thành nên chuỗi các tàu mang thương hiệu Việt Nam, thứ trưởng cho biết, đóng và sửa chữa tàu là một trong bốn trụ cột của lĩnh vực hàng hải bên cạnh cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải.

Lãnh đạo Bộ GTVT thông tin thêm hiện nay, hệ thống cảng biển của Việt Nam cơ bản hình thành, đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua.

Đội tàu của Việt Nam đáp ứng được 100% nhu cầu vận tải nội địa và trên dưới 10% vận tải quốc tế. Mục tiêu trong tương lai, đội tàu Việt Nam sẽ dần chiếm lĩnh thị trường vận tải. Ngành dịch vụ hàng hải cũng đang phát triển, dần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của dịch vụ vận tải.

“Lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu cũng đang trên đà phát triển, để hình thành 4 chân kiềng của ngành hàng hải, xứng đáng với yêu cầu về phát triển giao thông và truyền thống lâu đời của ngành hàng hải”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho rõ trong tương lai, sẽ phát triển dần các khu bến tại khu vực Nam Đồ Sơn.

Trong kế hoạch triển khai quy hoạch, dự kiến sẽ bố trí nguồn vốn khoảng 8.000 tỷ đồng cho việc chỉnh trị cửa sông Văn Úc để mở ra các bến khởi động ở Nam Đồ Sơn.

“Chúng ta đang trong giai đoạn có những điều kiện phát triển, không chỉ ngành đóng tàu, ngành vận tải biển mà cả các ngành nghề khác. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư, ngân hàng, nhà máy, doanh nghiệp có thể vươn lên, chớp thời cơ phát triển”, lãnh đạo Bộ GTVT nói và đề nghị các cơ quan liên quan phát huy hơn nữa vai trò của quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng hải. Các nhà máy, đơn vị đóng sửa chữa tàu cần tiếp tục có kế hoạch phát triển.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng đề nghị các chủ tàu trong kế hoạch phát triển đội tàu cần lưu tâm đến các nhà máy đóng tàu của Việt Nam, để ngành đóng tàu trong nước ngày càng phát triển, đóng được những con tàu thuần Việt có trọng tải lớn hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *